banner header

Khẳng định vai trò khoa học và công nghệ trong chuyển đổi cây trồng

Khẳng định vai trò khoa học và công nghệ

trong chuyển đổi cây trồng

     Đến nay, huyện Đơn Dương đã khẳng định vai trò tích cực của khoa học và công nghệ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ bền vững môi trường trên địa bàn. 

Giống khoai tây TK 15.80 đạt năng suất và giá trị kinh tế cao ngay từ vụ mùa chuyển đổi đầu tiên tại xã Lạc Xuân, Đơn Dương

     Cách đây hơn hai năm, phóng viên về xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương ghi nhận từng luống khoai tây giống mới của nông dân thu hoạch tăng năng suất khoảng hơn 25% so với giống khoai tây thông thường đã trồng trước đó. Giống khoai tây này có tên TK15.80 do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tại Đà Lạt thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã có thời gian 5 năm nghiên cứu, chọn tạo, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật chuyển giao cho nông dân Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. 

     Theo đó, bằng các giải pháp khoa học, Trung tâm đã cho ra đời giống khoai ở đây có đặc tính đề kháng và khắc phục bệnh mốc sương, héo rũ thường gây thiệt hại lớn đối với người nông dân hàng năm, nhất là kéo dài trong thời điểm mùa mưa. Đặc biệt, với chất lượng đặc trưng sinh trưởng của vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, giống khoai tây TK15.80 với sản phẩm củ thu hoạch đạt giá trị tăng thêm hơn 10% so với các sản phẩm khoai tây thông thường trong cùng thời điểm. Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm các mức đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc, phòng trừ dịch hại, nên lợi nhuận của khoai tây TK15.80 tại xã Lạc Xuân tăng vượt lên khá nhiều so với giống khoai tây cũ. Cụ thể, nông dân Đặng Văn Điện ở địa phương này đã tiết lộ với phóng viên: “Trên diện tích 2.000 m2 trồng giống khoai tây TK15.80 theo quy trình khoa học kỹ thuật chuyển giao của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tại Đà Lạt, sau 3 tháng thời vụ, hộ gia đình chúng tôi thu hoạch hơn 6 tấn, đạt lãi khoảng 60 triệu đồng...”. 

     Cũng trong thời gian hai năm về trước, phóng viên đã ghi nhận thực tế quy trình canh tác các loại hoa cát tường cánh đơn trong nhà lưới tại Trang trại Phong Phú, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương. Ở đây, với khoảng hơn 10 giống hoa cát tường cánh đơn đa dạng sắc màu nhập khẩu từ Công ty Sakata Nhật Bản, Trang trại Phong Phú tuân thủ từng giai đoạn ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc theo hướng dẫn từ các chuyên gia cũng đến từ Nhật Bản, kết quả, trên diện tích 4.000 m2 nhà lưới đã đạt lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng, cao hơn gần gấp 3 lần luân canh các loại rau thương phẩm...

Giống khoai tây TK 15.80 đạt năng suất và giá trị kinh tế cao ngay từ vụ mùa chuyển đổi đầu tiên tại xã Lạc Xuân, Đơn Dương

     Tìm hiểu trong mười năm qua, các vùng nông nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương đã tiếp cận và triển khai thường xuyên giải pháp khoa học công nghệ về sử dụng giống cây trồng mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nông dân. Bên cạnh cây khoai tây và hoa cát tường chuyển đổi nói trên, huyện Đơn Dương còn nhân rộng diện tích mô hình canh tác mới đối với các loại cây trồng khác như: hồng ăn trái, dứa, chuối, quýt, nấm, dược liệu.
 
     “Tính riêng giai đoạn năm 2017 đến nay, huyện Đơn Dương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo hướng thông minh với những nhóm giải pháp như lắp đặt và vận hành hệ thống tưới thông minh, hệ thống điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ tự động; canh tác trên giá thể, không dùng đất; nâng hệ số sử dụng đất lên 3-3,5 lần/năm... Đồng thời, tập trung xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông sản hàng hóa theo quy mô lớn gắn với tăng cường hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã... Qua đó phát huy vai trò cầu nối trong mối liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất, hộ nông dân, từng bước giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và nâng cao uy tín thương hiệu nông sản Đơn Dương trên thị trường...”, Theo nhận định của UBND huyện Đơn Dương. Thực tế qua hạch toán, giá trị thu nhập từ sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đơn Dương đã đạt từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm; chưa kể có những mô hình đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. 
 
     Cũng theo UBND huyện Đơn Dương, định hướng trong thời gian tới, huyện Đơn Dương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói riêng. Nhiệm vụ tiếp theo cần tạo nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; sử dụng có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn vốn xã hội hoá, các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, huyện Đơn Dương chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản đã được cấp chứng nhận OCOP, chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; đa dạng hóa các loại sản phẩm nông sản thông qua sơ chế, chế biến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu...
VĂN VIỆT
Nguồn: http://baolamdong.vn/xahoi/202204/khang-dinh-vai-tro-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-chuyen-doi-cay-trong-3113264/
: Khẳng định vai trò khoa học và công nghệ trong chuyển đổi cây trồng