banner header

KẾT QUẢ LAI TẠO, CHỌN LỌC GIỐNG KHOAI TÂY TK15.80

KẾT QUẢ LAI TẠO, CHỌN LỌC GIỐNG KHOAI TÂY TK15.80

TS.Nguyễn Thế Nhuận, ThS.Đinh Thị Hồng Nhung, ThS.Tưởng Thị Lý, ThS.Trần Anh Thông và CN.Nguyễn Hoài Tuyết Nhung

Công trình đạt giải B, Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2021

Tóm tắt công trình:

     Công trình được nghiên cứu với mục tiêu : Lai tạo, chọn lọc được giống khoai tây phục vụ ăn tươi đạt năng suất trung bình từ 20-25 tấn/ha, có khả năng kháng bệnh mốc sương khá, phù hợp với điều kiện thời tiết quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận;

     Giống khoai tây TK15.80 được chọn lọc từ tổ hợp lai  Utatlan (07) (♀) × CIP10 (♂). Qua các vụ khảo sát, đánh giá, chọn lọc chu kỳ 1,2, giống được nhân nhanh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, sản xuất củ giống các cấp và khảo nghiệm cơ bản trong 03 vụ, khảo nghiệm sản xuất và xây dựng các mô hình trình diễn trong 02 vụ từ năm 2017 đến năm 2019. Giống được thanh lọc khả năng kháng bệnh mốc sương (Phytopthora infestan) trong điều kiện áp lực cao ngoài đồng ruộng tại Đà Lạt, Lâm Đồng (tháng 4 – tháng 8) và phương pháp lây nhiễm nhân tạo trong nhà lưới. Kết quả cho thấy: Giống có thời gian sinh trưởng khoảng 95-100 ngày, dạng cây nửa đứng, kháng tốt với bệnh mốc sương (Cấp1/9). Dạng củ hình oval ngắn, mắt nông, vỏ củ hồng đậm, ruột củ màu vàng đậm, số lượng củ/cây trung bình từ 6-8 củ, mắt nông, giống được người dân và thị trường ưa chuộng. TK15.80 có tiềm năng năng suất cao, ổn định, trung bình đạt 25-30 tấn/ha, nhiều nông hộ sản xuất đạt trên 30 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng (07) 17-20%. Doanh thu đạt 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng 20-30%. Giống được Bộ NN &PTNT công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 454/QĐ-TT-CLT, ngày 30/12/2019. Giống đang được Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây nhân sản xuất cây giống sạch bệnh để cung cấp cho người sản xuất xuất khoai tây trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Giá trị khoa học:

     Chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt kháng bệnh luôn được nhiều tổ chức, các nhà khoa học quan tâm và đầu tư cho công tác nghiên cứu. Tại Việt Nam vấn đề này cũng là nhu cầu thiết yếu hiện nay nhằm tạo ra các giống tốt cho phát triển ổn định ngành hàng khoai tây. Lâm Đồng là vùng sản xuất khoai tây quan trọng của cả nước, với thương hiệu khoai tây Đà Lạt đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Tại Lâm Đồng, hai giống khoai tây PO3 và 07 đang được sản xuất phổ biến cho thị trường ăn tươi đang có hiện tượng bị thoái hoá (được sử dụng sản xuất lâu năm nên khả năng chống chịu với một số loại sâu, bệnh hại bị hạn chế, nhất là bệnh mốc sương) dẫn đến năng suất và chất lượng giảm đáng kể, nhất là sản xuất trong điều kiện mùa mưa với áp lực sâu, bệnh cao. Do vậy, việc chọn tạo các giống khoai tây cho sản xuất mùa mưa đang là yêu cầu  rất cần thiết đối với sản xuất khoai tây tại Lâm Đồng. Giống TK15.80 chọn lọc từ tổ hợp lai Utatlan (07) (♀) × CIP10 (♂), giống khoai tây Utatlan (07) là giống đang được sản xuất phổ biến tại tỉnh Lâm Đồng, giống được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, giống khoai tây CIP10 là giống được Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa nhập nội từ Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Quốc tế (CIP) có chứa gen kháng bệnh mốc sương do nấm (Phytopthora infestan),. Bên cạnh đó, sau khi chọn lọc chu kỳ 2, giống tiếp tục được lai back –cross để cải thiện năng suất. TK15.80 được thanh lọc khả năng kháng bệnh mốc sương trong điều kiện áp lực cao ngoài đồng ruộng tại Đà Lạt, Lâm Đồng (tháng 4 – tháng 8) và phương pháp lây nhiễm nhân tạo trong nhà lưới. Do vậy tính kháng bệnh mốc sương của giống được khẳng định qua nhiều vụ khảo nghiệm, đánh giá. Đây là nội dung nghiên có hàm lượng khoa học cao của công trình và đã phát huy được nguồn vật liệu đang có hiện nay, cũng như tạo tiền đề cho công tác chọn tạo giống lâu dài.

Giá trị thực tiễn:

     Giống TK15.80 sinh trưởng tốt, thời gian sinh trưởng trung bình khoảng 95-100 ngày, độ đồng đều cao, mức độ phủ luống đạt 100% tại thời điểm 50 ngày sau trồng. Giống chống chịu tốt với bệnh mốc sương, nhất là trong điều kiện mùa mưa tại vùng Đà Lạt, Lâm Đồng. Năng suất của các điểm trình diễn mô hình trung bình đạt 25-30 tấn/ha, nhiều nông hộ sản xuất đạt trên 30 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng (07) 17-20%. Doanh thu đạt trên 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế của giống khoai tây TK15.80 cao hơn so với giống 07 từ 20-30%. Giống được thị trường ưa chuộng nên luôn có giá bán cao hơn so với các giống khoai tây khác cùng thời điểm.

     Trong vụ Đông-Xuân, 2021-2022 thông qua dự án phát triển giống của Trung tâm ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng và Hợp đồng cung cấp của vườn ươm Thiên Sinh tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa đã tổ chức sản xuất và cung ứng 1.500.000 cây giống ra rễ sau cấy mô và 50.000 củ giống cấp xác nhận giống khoai tây TK15.80 cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Dự kiến trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa sẽ tổ chức sản xuất và cung cấp mỗi năm khoảng 2-3 triệu cây giống và hàng trăm ngàn củ giống cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

     Giống Khoai tây TK15.80 đã góp phần thúc đẩy sản xuất khoai tây bền vững gắn với thương hiệu “Khoai tây Đà Lat“ được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.

: KẾT QUẢ LAI TẠO, CHỌN LỌC GIỐNG KHOAI TÂY TK15.80