banner header

Kết quả xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hoa Cúc thương phẩm áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED tại Lâm Đồng năm 2022

Năm 2022 Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa  thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng triển khai xây dựng mô hình sản xuất hoa Cúc thương phẩm áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED trong khuôn khổ Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hoa Cúc thương phẩm áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED tại Lâm Đồng” với quy mô 3,0 ha tại xã Xuân Thọ, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho 30 hộ dân tham gia mô hình. Đây là năm thứ hai dự án được triển khai, rút kinh nghiệm từ năm đầu tiên triển khai nên năm nay dự án đã mang lại rất nhiều những kết quả khả quan, đặc biệt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nông hộ tham gia mô hình cũng như các nông hộ đã được đào tạo tập huấn kỹ thuật. Đặc biệt, việc tìm kiếm, liên kết và phối hợp thêm với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đã tạo đầu ra tốt cho bà con nông dân, mở ra cơ hội nâng cao giá thành sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy khả năng nhân rộng của dự án.

Khi tham gia mô hình, các nông hộ được hỗ trợ 60- 70% chi phí về giống, vật tư phấn bón, thuốc BVTV và bóng đèn LED. Đồng thời các nông hộ được tham gia các lớp tập huấn do các giảng viên là các chuyên gia về hoa Cúc của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa và Trung tâm Khuyến  nông tỉnh Lâm Đồng chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc hoa Cúc thương phẩm áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED đạt năng suất cao. Qua đó, đã giúp các nông hộ nắm vững lý thuyết và thực hành thành thạo các khâu kỹ thuật như: Bố trí thời vụ trồng, làm đất, lên luống, rạch hàng, bón phân, trồng, chăm sóc, nhận biết một số sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch, bảo quản tạm thời và các điều khoản để công ty ký kết hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đặc biệt là áp dụng công nghệ sử dụng bóng đèn LED với công suất bóng thấp (6W) trong chiếu sáng bổ sung cho hoa Cúc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm một phần lớn chi phí điện năng so với việc sử dụng bóng đèn Compact mà bà con nông dân vẫn đang áp dụng. Từ đó giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất hoa Cúc thương phẩm.

Mô hình sản xuất hoa Cúc thương phẩm được thực hiện trên giống hoa cúc Đóa vàng, đây là giống có khả năng sinh trưởng tốt, độ đồng đều cao, khả năng kháng sâu bệnh hại tốt, hoa đẹp và đang được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Kết quả cho thấy, các mô hình đều thu hoạch đảm bảo thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày, tỷ lệ hoa loại 1 đạt trên 84 %, tăng trên 19% so với ngoài mô hình.

Trước khi triển khai mô hình, tiến hành xuống giống, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng liên hệ, giới thiệu các đơn vị bao tiêu sản phẩm là các Công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn cũng như vùng lân cận ký kết hợp đồng với đại diện các nông hộ tham gia dự án bao tiêu toàn bộ sản phẩm hoa Cúc của dự án, với nhiều điều khoản được được thống nhất trong hợp đồng gồm: Tiêu chuẩn chất lượng cành hoa thương phẩm, điều kiện thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, giá cả, phương thức thanh toán, hợp đồng có xác nhận của chính quyền địa phương... Đơn vị trực tiếp thu mua là HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Phước Lộc với giá niêm yết là 3.000 đồng/cành hoa loại 1 và 1.800 đồng/cành hoa loại 2 mang lại doanh thu cho các nông hộ đạt trên 800 triệu đồng/ha, tăng trên 120 triệu đồng/ha so với nông hộ ngoài mô hình.

Theo ông Hà Long Quang – Nông hộ trực tiếp tham gia mô hình tại thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Tp. Đà Lạt chia sẻ: Việc được tham gia mô hình, được đơn vị chủ trì hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ 60-70% nguồn giống, sạch bệnh, hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV chất lượng và đặc biệt là bóng đèn LED đã giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Hoa Cúc đạt năng suất, tỷ lệ cành loại 1 đạt cao đã giúp nông hộ tăng được thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Chúng tôi rất mong muốn dự án sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng quy mô trong những năm tới để nhiều nông hộ trên địa bàn xã được tiếp cận dự án, nhân rộng được diện tích sản xuất hoa Cúc công nghệ cao, khẳng định được thương hiệu “Nông sản Đà Lạt, kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại địa phương.

Kết quả mô hình dự án

Không những đạt được những hiệu quả về kinh tế, dự án đã góp phần thúc đẩy ngành hàng sản xuất hoa Cúc tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung trên cơ sở hình thành và phát triển hệ thống sản xuất hoa Cúc thương phẩm chất lượng cao liên kết với cơ sở bao tiêu uy tín, ổn định. Người sản xuất hoa Cúc có cơ hội tiếp cận được với kỹ thuật sản xuất mới cũng như nguồn giống sạch bệnh (trong điệu kiện hiện nay giống hoa cúc đang bị nhiễm Virus rất nhiều) của dự án sẽ hạn chế được sâu, bệnh hại, giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, an toàn cho sản phẩm. Cùng với đó, cán bộ Khuyến nông địa phương có cơ hội nắm bắt được quy trình công nghệ và cách tổ chức sản xuất hoa Cúc thương phẩm có năng suất, chất lượng cao để chỉ đạo, tuyên truyền các nông dân tổ chức xây dựng vùng sản xuất hoa Cúc thương phẩm áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED từ đó góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Với mục tiêu đưa sản phẩm canh tranh với các công ty lớn, vườn tầm ra khỏi thị trường nội địa nhằm xuất khẩu sang các thị trường khó tính là một bước đi bền vững và nâng cao đáng kể hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn ngoài mô hình và các hội thảo tham quan, hội nghị sơ kết mô hình là điều kiện rất tốt để dự án triển khai thuận lợi vào những năm tiếp theo cũng như  mở ra cơ hội nhân rộng mô hình, tạo sự ổn định về mặt kinh tế- xã hội tại địa phương nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

 

Trần Anh Thông

Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa

: Kết quả xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hoa Cúc thương phẩm áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED tại Lâm Đồng năm 2022